Đau, thì đã đành. Nhưng trên cả điều đó, đau trong cái sự khó chịu, khó hiểu và khó chấp nhận, sau những gì đã và đang diễn ra trước mắt.
Video đoàn người vượt bão về quê tránh dịch trên đèo Hải Vân
Cách đây hơn 1 tháng, người dân đã lũ lượt rời Sài Gòn, Bình Dương để về quê. Có người lên tus mắng nhiếc dân mình rằng "Lúc Sài Gòn khó khăn, các người đã không ở lại chia sẻ khó khăn với Sài Gòn thì khi Sài Gòn ổn, đừng có vội vào nhé"
Thực sự tôi không hiểu nổi cái khái niệm "chia sẻ" mà người đó đưa ra, nhưng lờ mờ được hiểu là, nếu có người đuối nước thì bạn nên nhảy xuống để đuối cùng?!
Tôi đọc và không thể hiểu nổi người viết tus đang nghĩ gì. Có lẽ đó là một người ngồi máy lạnh, với đống đồ ăn chất đầy tủ, thiếu thì có người cung ứng. Chứ người bình thường, họ sẽ không phát ngôn điều đó.
Người ấy đâu hiểu những dãy trọ dài 10 công nhân ở một phòng 8m2, không thực phẩm, không đi lại được. Nếu có một ca F0 thì cả dãy sống trong hoảng loạn và chính họ cũng có thể dính chùm.
Người ấy cũng không hiểu những cánh tay đưa lên trên hàng rào kẽm gai để nhận từng bao gạo và thùng mì. Ăn chẳng biết được bao lâu nhưng xin thì không thể xin hoài được.
Người ấy cũng không muốn hiểu, nhiều người lúc đi thì là người bằng xương bằng thịt, ngày về là hũ tro. Vâng, những người này, họ không trở vào nữa đâu, thưa chị viết bài!
Thế rồi 4 tháng trôi qua, có người ở lại "chia sẻ với Sài Gòn" đấy. Giờ "chia sẻ" không nổi nữa, sau 4 tháng, họ phải vượt lũ về quê, chứ đâu có ai quay lại như người kia "dằn mặt" đâu!
Chưa bao giờ hai chữ "đồng bào" làm chúng ta phải nghĩ nhiều như bây giờ. Mấy ai hiểu họ, hiểu sự quan trọng của họ, hiểu những gì họ phải chịu 4 tháng qua, hiểu những mất mát của những ngày tới với họ và với chúng ta?
Đồng bào đi xe máy vượt đèo giữa giông bão. Không thấy ông quan bà cách nào, chỉ thấy các chiến sĩ công an, bác sĩ, cùng đội tình nguyện đưa xe đi trợ giúp. Lại vẫn là đồng bào giúp nhau. Họ nhỏ bé quá chăng trong sự quan tâm của những ông quan bà cách ấy?
Hôm nay các hầm đèo mở, nhưng hôm qua thì không. Nhìn những đứa trẻ dừng lại uống hộp sữa giữa mưa trên đèo, chúng ta nghĩ gì?
Đồng bào cực chẳng đã phải chất người chất đồ lên xe máy hiểm nguy ngàn cây số, tàu xe ê hề nằm chờ đấy, không được chạy cũng không cho chạy. Con đường giao thông thành con đường trần ai; con đường của những lo sợ, của sự h.èn và cái ích kỷ lên ngôi.
Bão tố vẫn chưa qua và đồng bào vẫn vượt bão. Xe, tàu thì vẫn nằm chờ đó. Không thấy ai lên cơn "ngạo nghễ" chở người như năm xưa nữa.
Tôi xin lỗi các bạn, trong suốt những tháng qua, tôi chỉ mang được ít đồ đạc tiếp tế cho các bạn trong sức lực của mình. Vẫn còn nhiều tin nhắn, nhiều cuộc gọi xin đồ. Cứ thứ tự đến lượt, mấy hôm nay tôi gọi, cũng đã có không ít bạn rời các dãy trọ về quê.
Sài Gòn cần các bạn và các bạn cũng cần Sài Gòn. Thứ nhất vì chúng ta là đồng bào. Thứ hai, các bạn là lực lượng lao động, là một mắt xích của chuỗi cung ứng. Để các bạn phải về như thế này, Sài Gòn mất mát.
Và hẳn, các bạn cũng sẽ trải qua những ngày dài khó khăn tiếp theo, khi mà quê hương trong dịch bệnh cũng không thể là "chùm khế ngọt" nữa. Lại đành rau cháo qua ngày, nhưng cứ xem đấy là những ngày nghỉ sau mấy tháng khủng hoảng.
Thôi, cứ về đi đã cho tâm lý, sức khoẻ và mọi thứ tạm ổn, chúng ta sẽ sớm gặp lại nhé!
Cũng theo báo Tuổi Trẻ sáng nay cũng đặt câu hỏi: Xe, tàu nằm không, sao dân phải đi xe máy, xe đạp, lội bộ về quê?
Xe tàu nằm không, dân về quê phải tự di chuyển
Nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng đang dừng khai thác để phòng, chống dịch. Xe khách liên tỉnh nhiều nơi dừng hoạt động từ tháng 6-7, cuối tháng 7 các hãng hàng không dừng khai thác. Từ ngày 25-8, đoàn tàu chở khách cuối cùng dừng chạy cho đến nay.
Hiện có hơn 200 máy bay chở khách của các hãng hàng không Việt Nam dừng khai thác dài ngày, toàn bộ các đoàn tàu chở khách, phần lớn xe khách, xe taxi, tàu thủy chở khách ở các địa phương dừng hoạt động. Kéo theo hàng ngàn lao động thất nghiệp, hàng trăm doanh nghiệp vận tải hành khách lâm cảnh nợ nần.
Thời gian qua, một số địa phương thực hiện các chuyến bay, chuyến tàu, xe khách đưa công dân từ các tỉnh phía Nam về quê. Tuy nhiên, những chuyến đi này phần lớn có chi phí do nhà hảo tâm, hội đồng hương, doanh nghiệp ở những tỉnh có điều kiện kinh tế hỗ trợ để đón những người thuộc diện ưu tiên như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ về quê.
Số lượng các chuyến đón công dân như trên không nhiều và muốn thực hiện phải trình qua nhiều cấp, nhiều cơ quan chấp thuận, phê duyệt.
chuyện đời thường FACEBOOK