Tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 1,2 triệu công nhân và hàng triệu lao động tự do. Trong thời gian qua, do dịch Covid-19 bùng phát, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên người lao động gặp nhiều khó khăn về đời sống. Vì vậy, họ đang phải trông chờ vào việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương để vượt qua khó khăn. Thế nhưng đến nay, nhiều lao động vẫn đang mòi mỏi... chờ!
Xóm trọ gần 70 hộ dân... chờ tiền hỗ trợ
Tại tổ 4, khu phố 2, phường Trảng Dài (TP Biên Hòa), có một xóm trọ khoảng 70 hộ dân, phần lớn trong số họ đều là lao động tự do (làm nghề buôn bán rau củ quả, lượm ve chai, dịch vụ chăm sóc người già - PV), không ký kết hợp đồng lao động.
Khoảng 70 hộ dân tại khu xóm trọ thuộc tổ 4, khu phố 2, phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) đã nhiều lần nộp hồ sơ nhưng hiện đang mòi mỏi chờ nhận tiền chính sách hỗ trợ (theo Nghị quyết 68 của Chính phủ)
Bà Hà Thị Tuyết Minh (ngụ tại hẻm 66, tổ 4, khu phố 2, phường Trảng Dài) cho biết, bà làm công việc phụ bán quán ăn, chồng bà làm nghề lượm ve chai. Đã mấy tháng nay, vợ chồng bà thất nghiệp, ở trong khu phong tỏa. Nay cả 2 đứa con bắt đầu vào năm học mới (một bé vào lớp 6, một bé vào lớp 3 - PV), gia đình bà càng thêm khó khăn hơn.
“Tôi đã làm đơn xin hưởng trợ cấp xã hội, gửi lên tổ dân phố để chuyển lên UBND phường Trảng Dài nhiều lần rồi. Lần cuối cùng là ngày 1/8, nay đã được 2 tháng” - bà Minh nói.
Tương tự hoàn cảnh bà Minh, bà Phan Thị Sương (ngụ 19/1 tổ 4, khu phố 2, phường Trảng Dài) cho biết, bà làm nghề bán rau củ quả, nhưng mấy tháng qua, Đồng Nai áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, bà thất nghiệp... Thu nhập không có, nhưng tiền nhà và điện nước vẫn phải trả.
“Tôi làm hồ sơ đã 3 lần rồi mà ngồi chờ hoài, 2 con của tôi giờ thiếu sữa uống. UBND phường Trảng Dài trước giờ có hỗ trợ cho tôi được 10kg gạo. Chủ nhà trọ hối thu tiền nhà, tiền điện nước mà tôi không có để trả” - bà Sương bùi ngùi cho biết.
Xét duyệt hồ sơ, kẻ được người không!
Tình cảnh không chỉ ở riêng phường Trảng Dài, TP Biên Hòa. Tại huyện Thống Nhất, theo ghi nhận của phóng viên, hiện cũng có rất nhiều người lao động tự do đang mòn mỏi chờ đợi được nhận hỗ trợ từ chính sách.
Cụ thể ông L.N.L (ngụ ở ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) cho biết: “Tôi là thợ hồ, thất nghiệp đã 3 tháng qua. Tôi trông đợi tiền hỗ trợ, nhưng đến nay mới biết mình không được nhận vì trưởng ấp không chịu xác nhận cho tôi dù ông trưởng ấp biết rõ tôi thuê trọ ở đây làm nghề thợ hồ”. Với trường hợp này, sau khi xác minh, UBND xã Hưng Lộc cho biết, ông L.N.L sẽ được nhận trợ cấp trong đợt tới.
Một người phụ nữ ở ấp 4, xã lộ 25, huyện Thống Nhất cho biết: “Chồng tôi làm thợ thi công điện cho công trình xây dựng nhà ở. Trưởng ấp nói nghề thợ điện không có trong danh sách được hưởng trợ cấp. Tôi làm nghề mua bán tự do cũng không có quán xá gì, cũng không được nhận hỗ trợ. 3 tháng nay không ra ngoài gia đình tôi không còn gì để sống mà tôi thì đang có bầu gần sinh”.
Tương tự, ông M.V.T (ngụ ở ấp 3, xã lộ 25, huyện Thống Nhất) cầm hồ sơ bị xã trả về, nói: “Tôi trước đây mở tiệm sắt, có giấy phép kinh doanh nhưng làm ế quá nên tôi trả giấy phép đi làm cửa sắt cho thợ xây nhà. 3 tháng nay bị cấm làm việc, tôi xin nhận trợ cấp 1,5 triệu mà hôm qua trưởng ấp đem trả hồ sơ nói tôi không thuộc diện được xét nhận hỗ trợ”.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Hoàng Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Phước Tân (TP Biên Hòa) cho biết: "Quyết định 2379 (ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh Đồng Nai) không quy định rõ ràng, một số đối tượng ngành nghề như thợ mộc, phụ hồ, thợ sắt hay quay phim chụp hình, rửa xe... không thuộc đối tượng xét xuyệt hỗ trợ. Vì khi vậy khi địa phương nhận hồ sơ của người dân và chiếu theo các quy định ngành nghề thì rất khó thực hiện xét duyệt hồ sơ hỗ trợ. Đến quyết định 2949 (ngày 26/8/2021 của UBND tỉnh Đồng Nai) thì bổ sung một số ngành nghề vào danh mục để xét duyệt. Từ thực tế đó, địa phương thực hiện quy trình xét duyệt hồ sơ phải bổ sung và kéo dài thời gian".
Còn ông Lê Thanh Hải - Trưởng khu phố 1, phường Quang Vinh (TP Biên Hòa) cho biết: "Chúng tôi thực hiện hướng dẫn hồ sơ hỗ trợ chính sách cho người dân rất cực. Nhiều người dân ghi sai hồ sơ, sai số chứng minh nhân dân, địa chỉ, số điện thoại, nơi cư trú... nên phải sửa bổ sung hồ sơ nhiều lần. Chúng tôi thực hiện thành nhiều đợt, hễ có vài chục hồ sơ là chúng tôi gửi ngay lên UBND phường để xét duyệt sớm".
Lao động tự do bị mất việc hoặc thu nhập thấp đều được hỗ trợ
Trước các thực trạng nêu trên, ngày 30/9, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định 3689/QĐ-UBND về việc sửa đổi bổ sung Điều 1 của quyết định 2379/QĐ-UBND ngày 12/7/2021 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Người dân phường Quang Vinh, TP Biên Hòa nhận hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ vào tháng 8/2021
Theo đó, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bị mất việc làm, không có thu nhập, hoặc có thu nhập thấp hơn 1.500.000 đồng/tháng đối với khu vực nông thôn, và 2.000.000 đồng/tháng đối với khu vực thành thị (mức chuẩn nghèo của quốc gia giai đoạn 2021-2025) đều thuộc diện được hỗ trợ.
Cụ thể, những người làm một trong các công việc như: Lao động tự tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ cho mục đích kinh doanh hoặc làm thuê tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các ngành nghề khác phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên theo chỉ đạo của UBND tỉnh từ ngày 1/5/2021. Người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở giáo dục tư thục phải tạm hoãn công việc, ngừng việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên, bị mất việc do doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở giáo dục tư thục phải tạm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Thuộc - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) nhận xét: "Quyết định 3689/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai đã mở rộng hơn cho các đối tương xét hỗ trợ là lao động tự do. Như vậy lao động tự do không phân biệt ngành nghề đều dễ dàng hơn trong việc xét duyệt đối tượng để được hỗ trợ".
Nếu chậm trễ, ngăn chặn là có lỗi với người dân.
Thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã nhiều lần nhắc đến vấn đề an sinh xã hội trong thời gian giãn cách xã hội. Trong đó, ông Hồng Lĩnh từng tỏ ra không hài lòng khi số người được hưởng trợ cấp quá ít so với số người lao động bị ảnh hưởng trong thật tế.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lên toàn xã hội, nhiều hoạt động kinh tế-xã hội ngừng trệ mà tỉnh Đồng Nai hiện mới hỗ trợ được cho 500.000 người là quá ít.
“Chúng ta phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, hỗ trợ tối đa đời sống Nhân dân, không được phép ngăn chặn, không được phép chậm trễ. Nếu chậm trễ, ngăn chặn là có lỗi với người dân. Từng xã phường phải quán triệt tinh thần này để chúng ta xem xét một cách hết sức trách nhiệm..." - ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.
Theo Pháp Luật