Nguồn gốc của đại dịch Covid-19 lại gây tranh cãi khi một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science
Một nam nhân viên kế toán ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, lâu nay được cho là ca mắc Covid-19 đầu tiên – hay còn gọi là bệnh nhân số 0. Tuy nhiên, trên thực tế trường hợp này phát triển các triệu chứng muộn hơn 8 ngày so với báo cáo ban đầu.
Do đó, một phụ nữ bán hải sản tại chợ Hoa Nam ở Vũ Hán mới là trường hợp mắc bệnh sớm nhất.
Phát hiện mới này được nhà khoa học Michael Worobey thuộc Đại học Arizona, Mỹ – đưa ra trong bài phân tích đăng tải trên tạp chí Science ngày 18/11, theo New York Times.
Sự nhầm lẫn về thời gian
Các nhà chức trách địa phương cho biết ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán từ ngày 8/12/2019. Đó là một nhân viên kế toán họ Chen, 41 tuổi, có triệu chứng từ ngày 8/12/2019 nhưng không có mối liên hệ nào với khu chợ.
“Lúc đầu, chúng tôi cho rằng khu chợ hải sản có thể có loại virus corona mới”, Gao Fu – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc – cho biết. “Nhưng nay hóa ra khu chợ này cũng chỉ là một trong những nạn nhân”.
Theo New York Times, vào tháng 1/2021, các nhà nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn đã đến Trung Quốc và phỏng vấn nhân viên kế toán nói trên. Sau đó, họ đã đưa ra báo cáo khẳng định đây là trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 được biết đến.
Tuy nhiên, tiến sĩ Peter Daszak, một thành viên thuộc đội chuyên gia nói trên của WHO, cho biết ông đã bị thuyết phục bởi phân tích mới nhất của tiến sĩ Worobey rằng họ đã sai.
Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán đã bị đóng cửa. Ảnh: AFP. |
Tiến sĩ Worobey, trưởng khoa sinh thái học và sinh học tiến hóa tại Đại học Arizona ở Tucson, đã công bố kết quả nghiên cứu mới nhất về nguồn gốc dịch Covid-19.
Trong đó, ông khẳng định đã có sự nhầm lẫn về thời gian giữa hai ca bệnh. Nhân viên kế toán ban đầu bị ốm do biến chứng từ việc điều trị nha khoa.
Sốt và các triệu chứng khác do virus corona gây ra ở trường hợp này bắt đầu vào ngày 16/12/2019, muộn hơn 8 ngày so với báo cáo trước đó.
Tiến sĩ Worobey đã cố gắng sắp xếp lại thông tin về những ngày đầu của đại dịch Covid-19 lại với nhau. Một nghiên cứu vào tháng 5/2020 của các nhà khoa học Trung Quốc đã khẳng định các triệu chứng của Chen xuất hiện từ ngày 16/12/2019, khác với tuyên bố của giới chức địa phương.
Sau đó, tiến sĩ Worobey tìm thấy bằng chứng thứ hai từ chính ông Chen. “Tôi bị sốt vào ngày 16”, ông Chen cho biết trong một video trả lời phỏng vấn vào tháng 3/2020 với The Paper, một ấn phẩm có trụ sở tại Thượng Hải.
Trong video, Chen cũng cho biết ông cảm thấy tức ngực và đến bệnh viện ngay hôm đó. Hồ sơ y tế được hiển thị trong video có thể nắm giữ manh mối về sai sót trong báo cáo từ phía WHO và giới chức địa phương Trung Quốc.
Một trang trong hồ sơ mô tả cuộc phẫu thuật nha khoa mà ông Chen đã trải qua. Điều này có thể là nguyên nhân của cơn sốt ban đầu chứ không phải virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, người phụ nữ bán hải sản tại chợ Hoa Nam ở Vũ Hán có dấu hiệu nhiễm virus corona sớm hơn, từ ngày 11/12/2019.
Người kế toán sống cách chợ 30 km và không có mối liên hệ nào với khu chợ này. Tiến sĩ Worobey cho rằng người này có thể đã mắc bệnh do lây nhiễm trong cộng đồng sau khi virus bắt đầu lây lan ở Vũ Hán.
Sai sót và sự không nhất quán
Trong báo cáo của WHO, các chuyên gia kết luận rằng virus rất có thể lây từ động vật sang người nhưng họ không thể xác nhận rằng chợ Vũ Hán là nguồn gốc. Ngược lại, nhóm các nhà khoa học cũng khẳng định một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”.
Báo cáo đã bị chỉ trích vì một số sai sót và thiếu sót. Hồi tháng 7, Washington Post tiết lộ rằng báo cáo này thậm chí còn liệt kê nhầm mẫu virus cho một số bệnh nhân, bao gồm cả trường hợp được cho là ca mắc đầu tiên và liên kết nhầm nhóm ca gia đình đầu tiên với khu chợ Vũ Hán.
Nhân viên y tế hỗ trợ đưa một bệnh nhân mắc Covid-19 lên xe cấp cứu ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 3/2020. Ảnh: The New York Times. |
WHO đã cam kết sẽ sửa chữa những sai sót vẫn còn trong báo cáo trên trang web của tổ chức này (WHO nói rằng họ sẽ hỏi các tác giả của báo cáo xem họ sẽ sửa chữa những sai lầm như thế nào và bằng cách nào).
Vào tháng 5, hai tháng sau khi báo cáo của WHO được công bố, 18 nhà khoa học nổi tiếng, bao gồm cả tiến sĩ Worobey, đã trả lời bằng một lá thư trên tạp chí Science.
Họ phàn nàn rằng WHO đã đưa ra câu trả lời quá ngắn gọn về giả thuyết rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm. Họ lập luận rằng cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa.
Cuộc tranh luận chưa có hồi kết Cuộc tranh luận về nguồn gốc của Covid-19 hiện xoay quanh hai giả thuyết đối lập: Lây nhiễm từ động vật sang người hay virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Theo Bloomberg, các nghiên cứu xác định virus SARS-CoV-2 có liên quan mật thiết đến động vật đang củng cố cho giả thuyết thứ nhất. Đặc biệt là vì những động vật sống dễ bị nhiễm bệnh được bán ở các khu chợ ẩm ướt tại Vũ Hán.
Các thành viên của đội điều tra từ WHO tại điểm kiểm tra thân nhiệt tại Vũ Hán vào tháng 2. Ảnh: AFP. |
“Hầu hết trường hợp có triệu chứng ban đầu đều liên quan đến chợ ở Vũ Hán, đặc biệt là khu vực phía tây nơi người ta tìm thấy cả những những con gấu mèo bị nhốt trong chuồng. Đây là bằng chứng về nguồn gốc đại dịch từ chợ động vật sống”, tiến sĩ Worobey cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, mặc dù có thể không bao giờ tìm lại được những virus liên quan từ những động vật đó vì chúng không được xét nghiệm khi dịch Covid-19 khởi phát, những bằng chứng về nguồn gốc đại dịch từ động vật hoang dã ở chợ có thể đạt được thông qua phân tích đặc điểm dạng không gian của những ca nhiễm ban đầu. Các dữ liệu bộ gene bổ sung, bao gồm các mẫu dương tính với SARS-CoV-2 từ chợ Hoa Nam, cũng như dữ liệu dịch tễ học bổ sung, có thể củng cố cho các bằng chứng đó.
“Việc ngăn chặn các đại dịch tương lai phụ thuộc vào nỗ lực này”, tiến sĩ Worobey nhấn mạnh.
Minh Ngọc/canhco
Chuyện Đời Thường : Chuyện Đời Thường